Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đến nay không còn là xu hướng tương lai mà đã là đòi hỏi của hiện tại nhằm tăng hiệu quả vận hành và kết quả kinh doanh cho doanh nghiệp (DN).

Chưa sẵn sàng, lúng túng

Ông Phạm Tuấn Anh, đại diện Trung tâm AI Tập đoàn Công nghệ TMA, cho biết theo báo cáo McKinsey & Company khảo sát 1.363 DN trên thế giới về áp dụng AI, có 72% DN đã ứng dụng công nghệ này ở ít nhất 1 phòng, ban. Tuy nhiên, tại Việt Nam, khảo sát cho thấy phần lớn DN, đặc biệt là DN quy mô nhỏ và vừa, chưa sẵn sàng, còn lúng túng khi ứng dụng AI. Nguyên nhân được chỉ ra là do chưa sắp xếp được nguồn vốn, nguồn nhân lực; gặp khó khi sở hữu dữ liệu lớn từ nhiều nguồn khác nhau như Google Drive, Excel...

"Nhiều DN nhỏ và vừa cứ nhắc đến ứng dụng AI là nghĩ ngay đến chi phí rất cao nhưng thực tế chi phí này rất nhỏ so với chi phí chuyển đổi số và phân tích dữ liệu. DN ngại đầu tư ứng dụng AI bởi lo sợ hiệu quả không cao và đòi hỏi công cụ này phải đáp ứng nhu cầu khá lớn của DN trong khi AI cần được đào tạo để hiểu dữ liệu của DN" - ông Tuấn Anh phân tích.

Bà Nguyễn Ngọc Lệ, đại diện Công ty CP MISA, nêu 97% DN nhỏ và vừa ở Việt Nam gặp các vấn đề khi ứng dụng AI. Thứ nhất, đa số DN lưu trữ dữ liệu ở rất nhiều file, chia thành nhiều tệp, gây khó trong việc kiểm soát tính chính xác của dữ liệu trong khi AI cần dữ liệu tập trung để phân tích. Thứ hai, khi DN tăng quy mô, công cụ AI không thể đáp ứng nhu cầu và nếu đầu tư thêm thì sẽ tăng chi phí, chưa kể khó kế thừa dữ liệu. Thứ ba, DN hầu hết chỉ sử dụng AI cho một số bộ phận như kế toán, nhân sự, bán hàng, điều hành..., gây nên sự không đồng bộ trong vận hành DN. Cuối cùng, DN chưa đầu tư hệ thống AI do chi phí cao hoặc nếu đầu tư quá lớn mà không sử dụng hết tính năng sẽ gây lãng phí.

Doanh nghiệp tìm hiểu thiết bị tích hợp trí tuệ nhân tạo Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Theo chủ một DN sản xuất nhựa ở TP HCM, lợi ích mang lại thực sự của việc ứng dụng AI cho kinh doanh hiện chưa rõ ràng. Ngoài ra, để áp dụng công nghệ thông minh này, cần đầu tư cho việc đào tạo nguồn lực và vận hành. "Việc sử dụng AI còn đặt ra thách thức về bảo mật dữ liệu và tích hợp các hệ thống AI vào cơ sở hạ tầng hiện nay của DN" - chủ DN này băn khoăn.

Tại một hội thảo về ứng dụng AI trong DN do Công viên phần mềm Quang Trung tổ chức mới đây, ông Phan Tấn Quốc, Phó Giám đốc Chương trình đổi mới sáng tạo KPMG Việt Nam, nhận xét tâm lý chung của nhiều DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ, là ngại ứng dụng AI do "sợ bị thay thế". "Họ nghĩ rằng sẽ đến lúc AI như một "giám đốc điều hành" khiến con người bị đào thải. Nhân viên ngại sử dụng AI vì sợ mình bị mất việc. Nhất là với những DN có lợi nhuận ổn định hằng năm, họ thiếu động lực đổi mới" - ông Quốc chỉ rõ.

Giải pháp nào hỗ trợ?

Theo bà Nguyễn Ngọc Lệ, để thúc đẩy DN ứng dụng AI, cần phổ biến rộng rãi cho lãnh đạo DN về những lợi ích mà công nghệ này mang lại. Đơn cử, AI có thể giúp bộ phận kế toán tự động đối soát hóa đơn có thông tin không hợp lệ hoặc cảnh báo thông tin DN đã hoặc đang làm thủ tục giải thể, nhờ đó giúp minh bạch thông tin gần như tuyệt đối và bảo đảm hóa đơn chính xác. AI cũng có thể giúp bộ phận bán hàng phân tích dữ liệu khách hàng để gợi ý nhân viên bán hàng giới thiệu khách mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ nào tiếp theo... "DN cần tính đến lợi ích lâu dài của việc sử dụng AI thay vì đong đếm chi phí ban đầu. Ứng dụng AI sẽ giúp DN tăng trưởng nhanh và bền vững trong xu thế hiện nay, nếu còn lưỡng lự thì DN sẽ chậm bước" - bà Lệ khuyến cáo.

Theo ông Phạm Tuấn Anh, DN cần phải đặt rõ mục tiêu ứng dụng AI để làm gì, cho lĩnh vực nào, thời hạn bao lâu, từ đó xây dựng lộ trình hợp lý. Bên cạnh đó, để không gặp tình trạng "đứt gánh giữa đường" khi áp dụng AI, DN phải xây dựng dữ liệu tập trung.

Ông Hoàng Quang Hải, chuyên gia đào tạo, đánh giá hệ thống quản lý Công ty DNV Business Assurance Việt Nam, cho rằng bên cạnh đầu tư vào công nghệ AI, DN cần xây dựng hệ thống quản lý chặt chẽ theo tiêu chuẩn quốc tế hay các khung quản trị AI đã được nghiên cứu. Điều này không chỉ giúp tối ưu hóa hiệu quả hoạt động, dễ dàng từng bước phát triển, ứng dụng AI mà còn bảo vệ DN khỏi các rủi ro liên quan đến việc sử dụng hay phát triển công nghệ này.